Chăm sóc cá phải đúng kỹ thuật, cho ăn phải đạt 4 yêu cầu: định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh.
Tóm tắt nội dung
NUÔI CÁ LÀ MỘT NGHỆ THUẬT
Để nuôi thủy sản thành công, người nuôi cần nắm kỹ yêu cầu của quy trình kỹ thuật như vệ sinh ao sạch sẽ trước mỗi vụ, dọn sạch cỏ xung quanh bờ; vét bùn đáy ao; lấp hết các lỗ mọi hang hốc xung quanh bờ; bón vôi để sát khuẩn, ổn định pH và diệt tạp.
Để chọn được loài cá nuôi thích hợp với điều kiện từng nông hộ cần phải xem xét vấn đề sau: Khả năng cung cấp thức ăn là tự có hay mua (rau xanh, thức ăn viên, phụ phẩm…).
Mục đích sử dụng nuôi để bán hay nuôi để ăn. Tùy từng vùng sinh thái khác nhau mà chọn loài cá nuôi cho phù hợp. Ví dụ vùng khó thay nước hay mô hình VAC có thể nuôi cá trê, cá tra…; vùng phèn có thể nuôi cá rô đồng, sặc rằn, trê…
Từ cơ sở đó mà nông hộ có thể chọn loài cá nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của mình để có thể tận dụng hết những tiềm năng sẵn có tại nông hộ.
CÁC YẾU TỐ MÀ NÔNG HỘ NUÔI CÁ CẦN CHÚ Ý
+ Chất lượng con giống: Chọn giống tốt, không mang mầm bệnh, cá tương đối đều cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, không bị dị hình, xây sát, nên mua giống ở những nơi có uy tín…
+ Trước khi thả giống nên tắm cá giống qua nước muối loãng trong 5 – 10 phút và phải theo dõi cá trong quá trình tắm. Mục đích tắm nước muối để sát khuẩn cho cá.
+ Mật độ thả thích hợp: Nên thả đúng mật độ tùy theo từng loài cá. Nhóm cá không có cơ quan hô hấp phụ (rô phi, mè hoa, trắm cỏ, chép, mè vinh…) thả với mật độ dưới 5 con/m2; nhóm cá có cơ quan hô hấp phụ (tra, trê, tai tượng, rô đồng, sặc rằn…) thả với mật độ 5 – 15 con/m2.
+ Thả đúng mật độ để cá lớn nhanh lớn đều, ít bệnh, rút ngắn được thời gian nuôi, đạt cỡ lớn bán được giá cao không phải tốn tiền nhiều để mua con giống và thức ăn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
+ Nuôi ghép: Trong cùng một ao có thể nuôi ghép các loài cá với nhau để tận dụng không gian mặt nước và tất cả các loại thức ăn có trong ao vì mỗi một loài cá sống ở một tầng nước và có loại thức ăn riêng.
+ Khi nuôi ghép lưu ý 5 yêu cầu sau: Số loài cá thả ghép dưới 4 loài. Đối tượng nuôi chính trên 50% tổng các loại cá, còn lại là các đối tượng ghép. Các loại cá thả ghép phải tương đối đều cỡ nhau và thả cùng thời gian. Các loài cá ghép phải không cùng tính ăn và không gian sống (vì trong môi trường nước có 3 tầng là tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy).
+ Thời gian nuôi và giá cá thương phẩm các loài cá gần bằng nhau để dễ bán khi thu hoạch. Ví dụ: Tai tượng 80%, mùi hoặc chép 10%, sặc rằn 10%; cá tra 80%, rô phi 20%; sặc rằn 80%, rô đồng 20%.
+ Chăm sóc: Phải đúng kỹ thuật, cho ăn phải đạt 4 yêu cầu: định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh. Nếu thức ăn là tấm cám nấu thì nên để vô sàng cho cá ăn để dễ quản lý được thức ăn.
+ Quản lý chất lượng nước ao nuôi: Ao phải thông thoáng, độ sâu ao nuôi cá thịt 1,2 – 2 m, độ sâu ao ương cá giống 0,5 – 1,2 m, pH ổn định từ 6,5 – 8,5 tức là nước ao nuôi cá có màu xanh vỏ đậu hoặc xanh lá chuối non là tốt, hàm lượng oxy hòa tan > 2 mg/l, nhiệt độ nước từ 25 – 30 độ C.
+ Đối với ao khó thay nước hoặc không thay nước được: Khi nuôi cá vào các tháng cuối gần thu hoạch, nước ao và nền đáy ao rất dơ do thức ăn dư thừa và phân cá thải ra nên cá có nguy cơ phát sinh bệnh rất cao. Có thể xử lý bằng cách dùng các chế phẩm sinh học (liều lựơng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì).
+ Phòng bệnh cho cá lúc giao mùa: Vào mùa mưa nhất là giai đoạn chuyển mùa nắng sang mưa ao rất dễ bị xì phèn làm pH nước ao giảm thấp; pH thay đổi đột ngột như vậy làm cá bị sốc sẽ giảm sức đề kháng và mầm bệnh dễ dàng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể cá.
+ Nên phòng bằng cách, định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao rải vôi vào rãnh để ngăn nước mưa mang phèn và chất dơ bẩn từ trên bờ ao xuống. Đồng thời ngâm vôi vào nước để nguội lấy phần nước vôi tạt đều khắp ao, lượng 1 – 3 kg/100 m3 nước. Vôi có tác dụng ổn định pH nước và phòng bệnh cho cá.
+ Trong suốt quá trình nuôi nên phòng bệnh cho cá là tốt nhất vì khi cá bị bệnh việc điều trị rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao. Có thể định kỳ 1 tuần/2 lần trộn vitamin C vào thức ăn cho cá ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI NUÔI CÁ
Lưu ý: vitamin C rất dễ tan trong nước nên khi trộn vào thức ăn phải dùng chất kết dính như dầu mực, bột gòn… để tăng hiệu quả sử dụng. Hoặc có thể sử dụng những cây thuốc nam sẵn có tại chỗ để phòng bệnh cho cá như lá giác, lá xoan… Trong suốt quá trình nuôi phải ghi chép sổ nhật ký đầy đủ.
Nguồn: Nông nghiệp. vn
————————————————–
𝑪𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒚 𝑪𝒐̂̉ 𝑷𝒉𝒂̂̀𝒏 𝑫𝒖̛𝒐̛̣𝒄 𝒑𝒉𝒂̂̉𝒎 𝑿𝒂𝒏𝒉 𝑽𝒊𝒆̣̂𝒕 𝑵𝒂𝒎 – 𝑮𝒓𝒆𝒆𝒏𝑷𝒉𝒂𝒓𝒎𝒂 𝑱𝑺𝑪
VP HN: Lô A2 CN4 Cụm CN Từ Liêm, P.Phương Canh, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội.
VP HCM: Số 83 Lý Chiêu Hoàng, P.10, Q.6, TP.HCM
VP Nha Trang: Lô số 07, Ô 33, đường Triệu Quốc Đạt, P. Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa
Hotline: 𝟏𝟖𝟎𝟎 𝟔𝟔𝟐𝟓 (Tư vấn miễn phí)