Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, ảnh hưởng đến nhiều loài động vật móng guốc như heo, bò, dê và cừu. Đây là một bệnh có tốc độ lây lan nhanh, gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi.
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân gây bệnh LMLM
Bệnh LMLM do virus Foot and Mouth Disease Virus (FMDV) thuộc họ Picornaviridae, chi Aphthovirus gây ra.
- Đây là một loại virus RNA với 7 type chính: O, A, C, Asia1, SAT1, SAT2 và SAT3, cùng hơn 70 type phụ (topotype).
- Không có sự bảo hộ chéo giữa các type, khiến việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trở nên phức tạp.
Con đường lây truyền bệnh LMLM
Bệnh LMLM có các con đường truyền lây chính như sau:
- Qua đường hô hấp: Virus được đào thải qua hơi thở của động vật nhiễm bệnh, lây lan qua không khí nhiễm mầm bệnh.
- Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp: Thông qua chất tiết, dịch tiết từ động vật bệnh. Lây lan qua con người, phương tiện vận chuyển, thức ăn, đường xá có tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Qua sản phẩm từ động vật: Virus có thể tồn tại trong sữa, thịt, xác động vật nhiễm bệnh, lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua không khí.
Triệu chứng bệnh LMLM
- Ban đầu, một số heo bị què, đi lại khập khiễng, bệnh lây lan nhanh trong đàn.
- Sốt cao (có thể lên đến 41°C), giảm ăn hoặc bỏ ăn.
- Xuất hiện các nốt mụn nước trên đỉnh lưỡi, mõm, vùng kẽ móng, bờ móng và vú (ở heo nái).
- Trong vòng 24 giờ, các mụn nước vỡ ra tạo thành các vết loét. Nếu điều kiện vệ sinh kém, các vết loét có thể nhiễm trùng, dẫn đến hoại tử, long móng.
Biến chứng:
- Chân: Vành móng loét, nhiễm trùng, mưng mủ, móng long, hoại tử xương và gân.
- Miệng: Mụn nước trên niêm mạc miệng vỡ ra, có thể rơi vào khí quản, gây viêm phổi.
- Vú: Nốt mụn trên vú gây tắc tia sữa, viêm vú.
- Tỷ lệ chết thấp nhưng nếu có biến chứng nhiễm khuẩn thứ cấp (liên cầu, tụ cầu…), nhiễm trùng huyết có thể làm tăng tỷ lệ tử vong.
Heo lở loét móng
Heo lở loét ở miệng và có mụn nước ở mũi, sốt cao
Bệnh tích của bệnh LMLM
- Mụn nước: Xuất hiện đơn lẻ hoặc tập trung thành đám có kích thước 2mm – 10cm. Ban đầu có màu trắng, sau khi vỡ để lại vết loét đỏ rớm máu và phủ lớp bựa fibrin màu xám.
- Cơ tim: Biến chất, mềm, dễ nát, xuất hiện vết xám, trắng nhạt hoặc vàng nhạt (hiện tượng “tim có vằn”).
- Lách: Sưng to, màu đen.
- Hô hấp: Viêm khí quản, cuống phổi, màng phổi và phổi.
Lưỡi loét, hoại tử cơ tim
Kết luận
Bệnh LMLM không chỉ lây lan nhanh mà còn gây ra những tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vật nuôi và hiệu quả chăn nuôi. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân, đường truyền lây và triệu chứng chỉ là bước đầu trong quá trình kiểm soát bệnh.
💡 Quan trọng hơn, người chăn nuôi cần có biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời để hạn chế tối đa thiệt hại. Vậy làm thế nào để bảo vệ đàn gia súc khỏi căn bệnh này?