Cá chạch đồng là loài bản địa của khu vực Đồng bằng Sông hồng. Ngoài tự nhiên cá phân bố ở tầng đáy, ưa hoạt động về đêm. Cá chạch chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng và mang đến lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Tóm tắt nội dung
Giá trị dinh dưỡng của cá chạch
Theo Đông Y, cá chạch được đánh giá về giá trị dinh dưỡng cao hơn rất nhiều so với các loại cá nước ngọt khác. Cụ thể trong 100g thịt cá chạch gồm: 16,9g protit, 2g lipit, 3,2g gluxit, 169mg canxi, 327mg photpho, 3,2mg sắt, các vitamin B1, B2, PP, E…; có tác dụng bổ thận sinh tinh, bổ sung canxi, giúp xương chắc khỏe, bảo vệ mạch máu, tăng sắt, phòng chống ung thư…Hiện nay, cá chạch đồng đã được nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm thành công tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Khu vực miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng tuy có điều kiện khí hậu phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của loài cá này, nhưng lại chưa được phát triển nuôi. Xuất phát từ thực tế trên, trong năm 2021, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chạch đồng quy mô nhỏ tại Trại nghiên cứu và sản xuất giống nông nghiệp Bát Xát thuộc xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Kết quả nuôi thử nghiệm cá chạch đồng ngoài thực nghiệm
Sau 8 tháng nuôi, cá có trọng lượng trung bình từ 60-80 gram/con trở lên. Kết quả nghiên cứu bước đầu cũng cho thấy cá chạch đồng nuôi tại địa bàn có các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, pH, oxy hoà tan thích hợp, nhu cầu thức ăn của cá đa dạng nên rất dễ nuôi và sinh trưởng, phát triển nhanh; tỷ lệ sống đạt gần 80%. Với giá thành như hiện nay dao động từ 150.000 – 180.000 đồng/kg có thể đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên để có đầy đủ cơ sở khoa học xây dựng quy trình kỹ thuật cần tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm nuôi với quy mô lớn hơn, đa dạng về hình thức nuôi và mật độ khác nhau nhằm đánh giá tốc độ sinh trưởng tối ưu phù hợp với đối tượng mới này.
Với sự thành công bước đầu trong nghiên cứu có thể sẽ tạo nên xu hướng mới giúp nhân dân chuyển đổi đối tượng nuôi có triển vọng hơn, phù hợp theo từng địa bàn góp phần đa dạng cơ cấu vật nuôi và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Kỹ sư Tạ Văn Khánh –Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai